Đèo Ngang Quảng Bình: Thắng cảnh thơ mộng, dấu ấn văn hóa lịch sử

Qua đèo Ngang trong thơ Bà Huyện Thanh Quan hiện lên với vẻ đẹp hoang sơ, vắng vẻ. Con đèo xưa giờ là thắng cảnh nổi tiếng của Quảng Bình, thu hút du khách bởi vẻ đẹp thơ mộng và tiềm năng du lịch lớn.

Đèo Ngang Quảng Bình – Nơi thơ ca lưu dấu vẻ đẹp hùng vĩ.

Đèo Ngang. Ảnh: @sipi.1989.

Đèo Ngang nằm trên dãy núi Hoành Sơn, một dải núi chạy từ Trường Sơn đâm ngang ra biển Đông. Địa hình hiểm trở của Hoành Sơn khiến đèo Ngang trở thành chốt giữ quan trọng trên con đường thiên lý Bắc – Nam. Ngày nay, đèo Ngang là ranh giới giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Ảnh: @hb.traan_.

Đèo Ngang, một cung đường hiểm trở dài 6km, vắt vẻo trên dãy Hoành Sơn với độ cao 256m so với mực nước biển, là chứng nhân lịch sử hào hùng của đất nước. Nơi đây từng chứng kiến những trận giao tranh quyết liệt giữa Đại Việt và Chăm Pa, ghi dấu ấn về sự kiên cường của dân tộc. Cũng tại đây, chúa Nguyễn Hoàng, nghe theo lời sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đã vượt qua dãy Hoành Sơn năm 1558, khai phá vùng đất Thuận Hóa, mở ra một trang sử mới cho bờ cõi miền Nam. Đèo Ngang, với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ, là minh chứng cho tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.

Hoành Sơn quan, đỉnh đèo Ngang. (@lengloo)

Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua cho xây dựng Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo Ngang, trở thành cửa ngõ phía bắc vào kinh thành Huế, sánh ngang với Hải Vân quan trên đèo Hải Vân và Trấn Hải thành ở cửa biển Thuận An. Năm 1838, vua Minh Mạng cho đúc 9 đỉnh đồng lớn đặt ở Đại Nội Huế, và hình ảnh Hoành Sơn – đèo Ngang được khắc vào Huyền đỉnh, tôn vinh vị thế quan trọng của vùng đất này.

Hoành Sơn quan. Ảnh: @lengloo.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đèo Ngang Quảng Bình là nơi chứng kiến ​​sự hy sinh anh dũng của thanh niên xung phong và bộ đội công binh. Họ kiên cường bám trụ, giữ vững mạch giao thông huyết mạch, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của dân tộc. Bên cạnh những câu chuyện bi hùng, đèo Ngang còn là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nhân thi sĩ, đặc biệt là bài thơ “Qua đèo Ngang” bất hủ của Bà Huyện Thanh Quan.

Ảnh: Nam Trần/Báo Tuổi trẻ.

Ảnh: @lunf_nguyen.

Từ đỉnh đèo, tầm mắt bao quát khung cảnh hùng vĩ: biển Đông mênh mông với đảo Yến, đảo Hòn La ở phía Quảng Bình, và phía Hà Tĩnh là những ghềnh đá nhấp nhô. Dưới chân đèo, thấp thoáng những ngôi nhà nép mình bên dòng suối hiền hòa, chảy róc rách qua những ruộng lúa xanh mướt, bao quanh bởi rừng cây um tùm. Trên đỉnh đèo, tấm bảng phân chia địa giới hai tỉnh như một dấu ấn lịch sử. Rẽ theo con đường mòn nhỏ bên phải triền núi, du khách sẽ đến di tích Hoành Sơn quan ẩn mình giữa đồi thông, nơi lưu giữ những câu chuyện hào hùng của lịch sử.

Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh, dưới chân đèo. (Ảnh: @lunf_nguyen)

Nằm trên đỉnh cao, Hoành Sơn quan được người dân mệnh danh là “cổng trời”, nơi chạm tay đến mây trời. Nơi đây là điểm cao nhất vùng đất, với di tích cao hơn 4m, hai bên có thành dài hơn 30m, được xây bằng gạch đá trát vữa, đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Dưới chân đèo phía nam, tọa lạc đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử của người Việt, càng tô điểm thêm vẻ linh thiêng cho vùng đất này.

Hoành Sơn quan, nhìn từ phía sau (Ảnh: Nam Trần/Báo Tuổi trẻ).

Ảnh: @kann_nguyen.

Quảng Bình không chỉ hấp dẫn du khách với bãi biển xinh đẹp mà còn ẩn chứa vẻ đẹp hùng vĩ của đèo Ngang. Du khách có thể kết hợp tham quan đèo Ngang với bãi Đá Nhảy và viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tạo nên hành trình du lịch đầy ý nghĩa. Với cảnh quan thiên nhiên ấn tượng, đèo Ngang hứa hẹn sẽ thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy du lịch Quảng Bình phát triển.

Đèo Ngang hùng vĩ, nhìn xuống thơ mộng. (Ảnh: @anna.nguyen1204)